Trong một vài năm trở lại đây, hoa giấy tạo lên một cơn sốt bởi nhiều giống mới với những màu sắc bắt mắt được du nhập vào nước ta, trong đó phải kể đến loài hoa giấy đỏ lửa. Loài hoa giấy đỏ lửa này không chỉ mang sắc đỏ được nhiều người ưa chuộng mà màu đỏ của loài hoa này khác với các màu đỏ thông thường khác, nó đỏ rực như ánh lửa sáng nên rất đẹp và tỏa sáng mở mọi không gian. Bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về loài hoa giấy còn mới lạ này nhé – hoa giấy đỏ lửa.
Đôi nét về hoa giấy đỏ lửa
Hoa giấy đỏ lửa là một trong những cái tên hoa giấy được tìm kiếm hàng đầu trong suốt năm 2024 và cho đến hiện tại.
Thật không quá lời khi nói về cây hoa giấy đỏ lửa rằng: một người trồng mười nhà mê bởi không chỉ đẹp mà loài hoa này còn mang những đặc tính ưu việt khác.
Không thế mà trong những năm qua loài hoa này vẫn luôn đứng top đầu tìm kiếm những loài hoa giấy được yêu thích nhất. Tuy nhiên, vì là một giống cây mới được du nhập nên những thông tin, tài liệu về loài hoa giấy đỏ lửa này vẫn còn ít ỏi và chưa được chuẩn xác.
Vậy nên hoadepviet.com tổng hợp, chắt lọc những thông tin hữu ích và cả trải nghiệm thực tế về loài hoa giấy đỏ lửa này để các bạn tham khảo nhé.
Nguồn gốc, tên gọi của hoa giấy đỏ lửa
Có rất nhiều người thắc mắc về nguồn gốc của loài hoa giấy đỏ lửa cũng như tên gọi chính xác của chúng là gì bởi “hoa giấy đỏ lửa” là cái tên mà những người buôn cây giống Việt Nam nói về loài hoa giấy này khi bán chúng ra thị trường.
Tên gọi của hoa giấy đỏ lửa: loài hoa này có tên tiếng anh là Red flame, một số gọi là Red Sampa, có cánh hoa nhọn, thuôn dài, màu sắc khác biệt hoàn toàn so với loại hoa giấy đỏ Thái lá nhỏ khác mà nhiều người mới chơi nếu nhìn qua sẽ dễ nhầm lẫn.
Nguồn gốc: hiện không có thông tin chính xác hoa giấy đỏ lửa được lai tạo bởi ai, vào năm nào nhưng hiện tại nguồn cây giống hoa giấy đỏ lửa được nhập chủ yếu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Đặc điểm của cây hoa giấy đỏ lửa
Cây hoa giấy đỏ lửa cũng như hầu hết các loài hoa giấy khác đều dễ trồng, dễ chăm sóc, tuy nhiên về hình thái cũng như đặc tính sinh trưởng của loài hoa này có phần khác biệt với đa số các loài hoa giấy thông dụng. Vậy nên chỉ cần đã tận mắt trông thấy cây hoa giấy đỏ lửa thì bạn sẽ hoàn toàn có khả năng phân biệt được chúng với hàng trăm loài hoa giấy khác chỉ cần nhìn qua hình ảnh.
Đặc điểm hình thái của cây hoa giấy đỏ lửa
Lá cây hoa giấy đỏ lửa: lá loài hoa này thuôn dài, mép lá gợn sóng và hơi quăn vào trong, đuôi lá nhỏ, nhọn và có độ dài trội hơn hẳn các loại hoa giấy khác. Mặt lá cây hoa giấy đỏ lửa màu xanh sáng, lá bóng và gân lộ rõ. Có thể thấy lá cây hoa giấy đỏ lửa là một trong những bộ phận khác biệt nhất để có thể nhận biết một cách chính xác loài hoa này.
Hoa của cây hoa giấy đỏ lửa: hoa có màu đỏ tươi, sắc đỏ sáng chứ không đỏ thẫm nên trồng cây hoa giấy đỏ lửa ở bất kỳ không gian nào cũng có thể toả sáng. Cũng giống như lá, bông hoa giấy đỏ lửa có đuôi cánh nhọn, dài, đặc biệt điểm thêm nhuỵ hoa màu trắng hết sức nổi bật.
Thân, cành cây hoa giấy đỏ lửa: cành của loài hoa này là dạng cành mềm, nhỏ, có xu hướng bò ngang nên cây hoa giấy đỏ lửa thường được trồng trên chậu, ngoài ra vẫn có thể cho leo giàn hoặc leo rào như các loại hoa giấy khác nhưng sẽ chậm và lâu hơn.
Đặc tính sinh trưởng của cây hoa giấy đỏ lửa
Hoa giấy đỏ lửa có hầu hết các đặc tính của các giống hoa giấy khác, tuy nhiên, ở loài hoa này có một số đặc tính khác biệt về hoa và cành như sau:
Loài hoa giấy đỏ lửa ra hoa quanh năm, hoa thường mọc thành chùm, nở rộ và rất sai hoa. Một ưu điểm nổi trội của loài hoa này nữa là hoa thường rất bền trên cây, dù mưa to hay gió lớn thì bông hoa giấy đỏ lửa cũng ít rụng hơn các loại giấy khác.
Cây hoa giấy đỏ lửa tuy thuộc dạng thân leo nhưng cành mầm bật chậm hơn các loài hoa giấy khác, có thể một phần bởi do hoa bền, thời gian nuôi hoa trên cây lâu và phần còn lại là do bản chất của giống hoa giấy đỏ lửa này. Mặc dù vậy thì đây vẫn là một loại hoa leo cực đẹp và rất đáng trồng.
Giàn hoa giấy đỏ lửa toả sắc trước cổng nhà thu hút mọi ánh mắt của người qua đường
Các dáng cây hoa giấy đỏ lửa được ưa chuộng
Với các đặc tính khác biệt kể tại mục trên, ngoài ứng dụng leo giàn, che bóng mát thì cây hoa giấy đỏ lửa thường được trồng để làm cảnh với các dáng bonsai, dáng trực, dáng bay đẹp mắt.
Hoa giấy đỏ lửa dáng trực: đây là dáng được ưa chuộng nhất bởi dễ uốn tỉa, dễ chăm sóc và duy trì hình dáng của cây. Cũng một phần bởi người chơi hoa Việt Nam yêu thích, ưa chuộng hình dáng cây như chiếc ô hoa xinh đẹp này trên hầu hết các loại hoa cây cảnh và hoa giấy đỏ lửa cũng không phải ngoại lệ.
Hoa giấy đỏ lửa dáng bonsai: bởi vì đặc tính lớn chậm, vươn cành cầm ngắn nên hoa giấy đỏ lửa hoàn toàn phù hợp để ghép hoặc tạo những cây bonsai nguyên bản.
Bụi hoa giấy đỏ lửa trồng chậu: ngoài các dáng hoa giấy nghệ thuật kể trên thì phần lớn mọi người lựa chọn trồng loại cây này dưới dạng bụi trong chậu. Bởi hoa bền, lâu rụng, gần như trên cây lúc nào cũng có sắc hoa đỏ thắm nên trồng để trưng làm cảnh rất phù hợp và đẹp mắt.
Giàn hoa giấy che nắng: ứng dụng hàng đầu của hoa giấy vẫn là cây leo giàn, cây che mát, hoa giấy đỏ lửa cũng không phải ngoại lệ mặc dù so với giống khác nó leo chậm hơn một chút.
Cách chăm sóc cây hoa giấy đỏ lửa ra nhiều hoa
Để cây hoa giấy đỏ lửa ra nhiều hoa, hoa nở rộ thì cách chăm sóc cũng cần phải lưu ý một số điểm về vị trí đặt cây, tưới nước, phân bón,… Sau đây mình sẽ liệt kê một số lưu ý đáng chú ý để các bạn tham khảo:
Vị trí đặt cây: giống như các loại hoa giấy khác thì hoa giấy đỏ lửa cũng là loài ưa sáng, ưa ánh sáng mạnh. Do vậy vị trí đặt cây cần chọn chỗ thoáng, nhiều nắng, tốt nhất là nắng toàn phần, không bị che khuất, rợp bóng bởi mái che hoặc tán cây lớn.
Nước tưới: nên tưới đẫm nước ngày 1-2 lần vào những ngày trời nắng gắt, nhiệt độ cao vào sáng sớm hoặc chiều mát. Những ngày mưa nhỏ, mưa phùn không làm nước mưa ngấm sâu vào đất cũng nên tưới đẫm 1 lần.
Phân bón: nên bón phân 1 tháng khoảng 2 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày bằng phân tổng hợp NPK như đầu trâu. Có thể rắc trực tiếp bằng cách rắc xa gốc hoặc hoà vào nước tưới. Tuy nhiên phương pháp hoà vào nước tưới sẽ giúp cây hoa giấy đỏ lửa có thể hấp thu được dinh dưỡng một cách nhanh chóng nhất.